Lược sử Bài ca hy vọng

  • "Bài ca hy vọng" có số phận truân chuyên: tác phẩm từng bị từ chối in ấn và phát hành.[11] "Năm 1958, tôi sáng tác Bài ca hy vọng, tác phẩm rất lãng mạn, rất thơ mộng. Khi nó ra đời, ngày thắng lợi còn xa vời lắm... tác phẩm lãng mạn quá, mơ mộng quá đến nỗi có người không chấp nhận được, định cấm. Có người còn bắt tôi sửa mới dùng, nhưng tôi không sửa được, đó là tư duy cảm xúc của tôi, giờ bảo tôi sửa tôi không biết sửa thế nào" - Nhạc sĩ Văn Ký chia sẻ.[4]
  • Sau khi được phát hành, ông Trần Lâm - Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam lúc ấy - nói với Văn Ký rằng: nên chọn ca sĩ miền Nam có giọng hát trong và sáng sủa. Và ca sĩ được chọn để thể hiện đầu tiên nhac phẩm này là Khánh Vân.
  • Sau khi đã trình bày tất cả những ý tưởng thể hiện của mình với Khánh Vân và dành cho ca sĩ thời gian tập luyện, ba tháng sau bản nhạc mới được thu thanh lần đầu với phần đệm dương cầm của nghệ sĩ Hoàng Mãnh. Ca sĩ Khánh Vân đã không phụ công trông đợi của nhạc sĩ. Chị hát thành công đến nỗi được mời vào biểu diễn ca khúc cho Bác Hồ. Nghe xong, Bác lặng đi hồi lâu và nói: "Cháu phải hát bài này cho đồng bào miền nam nghe" (Lời kể của NSƯT Minh Hiến, giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam đương thời).[3]
  • Và thế là, tiếng hát Khánh Vân phát đi rộng rãi. "Bài ca hy vọng" đã vang lên trong biết bao nhà tù Mỹ ngụy ở miền nam, tiếp thêm sức mạnh tinh thần lớn lao cho những người chiến sĩ vượt qua và chiến thắng những đòn tra tấn dã man, tàn bạo, khắc nghiệt nhất trong chốn lao tù. Biết bao nhiêu người đã khóc khi nghe Khánh Vân hát "Bài ca hy vọng". Đã có những sân khấu được dựng bên bờ bắc của sông Hiền Lương. Khánh Vân trong bộ áo dài mầu xanh hòa bình bước lên hát, hướng về phía bờ nam nơi có bao đồng bào đang chờ đợi. Những chùm đôi của ca khúc như "chứa chan", "niềm tin", "gió mưa", "buồn thương" qua tiếng hát Khánh Vân thánh thót rơi xuống như những hạt mưa, như những giọt sương trong ngần xua tan đi bao buồn đau, thắp lên những thương yêu và hy vọng.
  • Sau đó, đã có nhiều ca sĩ khác biểu diễn thành công ca khúc này, nhưng Văn Ký vẫn tâm đắc nhất với bản thu đầu tiên của Khánh Vân.[12]

Có thể nói "Bài ca hy vọng" là một trong những tác phẩm kinh điển nhất của âm nhạc kháng chiến, đã đồng hành cùng dân tộc cho đến ngày toàn thắng để rồi lại ngân vang lên trong nỗi xúc động nghẹn ngào khi hòa bình đã về trên khắp quê hương.[1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bài ca hy vọng https://www.youtube.com/watch?v=7yRapOzzs6c&ab_cha... https://www.youtube.com/watch?v=BzKLu83VAEM&ab_cha... https://www.youtube.com/watch?v=Sy4eNHncUr4&ab_cha... https://www.youtube.com/watch?v=TCvE8EfBNdU&ab_cha... https://www.youtube.com/watch?v=VLcahvYq_ZQ&ab_cha... https://www.youtube.com/watch?v=jx4TR2ROpU8&ab_cha... https://www.youtube.com/watch?v=tVqifXRXKLk https://www.youtube.com/watch?v=wAZyA37p9QA&ab_cha... https://bcdcnt.net/bai-hat/bai-ca-hy-vong-21.html https://vnexpress.net/bai-ca-hy-vong-tac-pham-de-d...